Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chuyển đổi số chính là động lực để phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn sau đại dịch.

Chiều 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính có những chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số. Trong phần phát biểu, Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm về vai trò của chuyển đổi số, cũng như định hướng của chính phủ để tăng tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam.

Những nhiệm vụ của chuyển đổi số

Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số là động lực để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch.

Đây là năm thứ ba diễn đàn được tổ chức. Diễn đàn năm nay tập trung vào những giải pháp hành động, triển khai thực tế để chuyển đổi số. Tại diễn đàn, các giải pháp chuyển đổi số đóng góp tích cực vào chống dịch, hỗ trợ kinh doanh đã được vinh danh.

Thủ tướng cho rằng đại dịch chính là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam chứng minh khả năng để vượt qua những khó khăn nhất thời, vươn lên mạnh mẽ. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, thời kỳ dân số vàng, và doanh nghiệp công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng, lực lượng tiên phong để phát triển đất nước.

dien dan quoc gia phat trien doanh nghiep cong nghe so 2021 anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về nhiệm vụ của chuyển đổi số. Ảnh: BTC.

“Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, không thể không làm. Nếu làm được, nó sẽ phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước, con người”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những mục tiêu cần đặt ra khi thực hiện chuyển đổi số. Mục tiêu hàng đầu là giúp cải thiện cuộc sống người dân, giúp đất nước thịnh vượng. Trong đó, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số còn phục vụ những nhiệm vụ khác, như chống biến đổi khí hậu; khắc phục việc cạn kiệt tài nguyên, phát triển năng lượng xanh; và khắc phục vấn đề già hóa dân số.

Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số cũng là xu thế của toàn cầu. Vì vậy, chuyển đổi số phải đặt trong tổng thể chuyển đổi của toàn cầu, có cách tiếp cận toàn cầu. Bên cạnh đó, chuyển đổi số phục vụ cho toàn dân, giải quyết những bức xúc của người dân.

“Do vậy, chuyển đổi số phải tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách phải hướng đến người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhận định.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ mong muốn doanh nghiệp chủ động đề xuất những yêu cầu về chính sách, thể chế. Từ đó, chính phủ và các bộ, ngành có thể đưa ra những hỗ trợ cần thiết nhằm thúc đẩy chuyển đổi số.

Doanh nghiệp số sẽ nhận các sứ mệnh của quốc gia

Theo Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, điểm mới của diễn đàn năm nay là doanh nghiệp công nghệ được nhận lấy các trách nhiệm phát triển nền tảng số cho quốc gia. Đây là cách tiếp cận mới trong quản lý nhà nước, khi giao những bài toán, vấn đề cụ thể cho các doanh nghiệp.

“Trong thời đại công nghệ ngày nay, nếu bài toán được gọi tên đúng, tường minh và kèm theo qui mô thị trường của bài toán là đủ lớn thì ngoài kia sẽ có người, có doanh nghiệp giải được. Công bố bài toán của mình để kêu gọi giải pháp sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp là cách tiếp cận của hầu hết quốc gia ngày nay”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Bộ trưởng TTTT cho rằng việc tạo ra những nền tảng số của Việt Nam rất quan trọng, bởi ngoài việc giải quyết các bài toán, nền tảng số còn giúp bảo vệ dữ liệu của người dân. Dữ liệu có thể được ví như một loại tài nguyên ngày càng tăng lên. Việc chính phủ đưa ra những nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân giúp doanh nghiệp có điều kiện khai thác các dữ liệu nhằm tạo ra thêm giá trị.

dien dan quoc gia phat trien doanh nghiep cong nghe so 2021 anh 2

Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tại diễn đàn. Ảnh: BTC.

Trong năm nay, Bộ TTTT sẽ chủ trì và xây dựng bộ chỉ số đánh giá về chuyển đổi số doanh nghiệp, là một phần trong chỉ số về kinh tế số và xã hội số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh, đi đúng hướng.

“Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và được giao cho từng doanh nghiệp. Nhận phát triển các nền tảng số này là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi vì các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và không chỉ vậy, chúng còn giữ lại Việt Nam tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam”, Bộ trưởng TTTT kết luận.

Doanh nghiệp hiến kế giải các bài toán chuyển đổi số quốc gia

Tại các phiên tham luận ở diễn đàn, các doanh nghiệp đã chia sẻ những ý tưởng, giải pháp cho quá trình chuyển đổi số, phục hồi kinh tế sau dịch.

Đại diện của FPT chia sẻ về giải pháp “bình thường xanh”, giúp doanh nghiệp nhanh chóng có thể hoạt động trở lại trong khi vẫn đảm bảo việc chống dịch. Trong khi đó, đại diện của Misa giới thiệu nền tảng quản trị ngân sách quốc gia. VNPT chia sẻ về nền tảng định danh số cho các dịch vụ.

dien dan quoc gia phat trien doanh nghiep cong nghe so 2021 anh 3

Các doanh nghiệp được nhận giải cao nhất của Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam. Ảnh: BTC.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chia sẻ về các khó khăn và giải pháp công nghệ cho những ngành như du lịch, logistics, chuyển đổi số doanh nghiệp và quản lý tài sản số.

Tại diễn đàn, Bộ TTTT cũng công bố 35 nền tảng số quốc gia, chia thành 6 nhóm nền tảng, do Bộ giao cho các doanh nghiệp nòng cốt tham gia nghiên cứu, phát triển. Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, trong tháng 12 Bộ sẽ ký ban hành chương trình với mục tiêu, chỉ số đánh giá, đo lường cụ thể cho các doanh nghiệp. Tháng 6/2022 là mốc thời gian công bố các nền tảng số quốc gia.

Thủ tướng: Chuyển đổi số góp phần giúp Việt Nam hồi phục kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chuyển đổi số là hướng đi giúp Việt Nam vừa đảm bảo trạng thái bình thường mới, vừa góp phần phục hồi kinh tế, sự an toàn của người dân.

diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2021

Bộ thông tin truyền thông

bộ tttt

bộ tt&tt

diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số