Ác mộng trước lễ Giáng sinh của Apple

Khủng hoảng linh kiện trên toàn cầu khiến nhiều người không thể mua iPhone, iPad làm quà tặng trong dịp Giáng sinh năm nay.

Ac mong truoc le Giang sinh cua Apple anh 1

Tại Trung Quốc, kỳ nghỉ Quốc khánh đầu tháng 10 là thời điểm các nhà cung ứng cho Apple hoạt động 24 tiếng/ngày, công nhân được tăng cường để sản xuất đủ hàng cho mùa mua sắm cuối năm. Tuy nhiên dịp lễ lần này, công nhân tại các nhà máy được nghỉ, không phải tăng ca.

Lần đầu tiên sau hơn 10 năm, dây chuyền lắp ráp iPhone và iPad tại Trung Quốc phải tạm dừng trong vài ngày do thiếu linh kiện, chính sách hạn chế sử dụng điện tại địa phương.

Apple đã cắt sản lượng hàng triệu chiếc iPhone 13 và iPad sau khi ra mắt vào tháng 9. Tại nhiều quốc gia, giờ đã quá muộn nếu muốn mua sản phẩm Apple làm quà Giáng sinh. Với một công ty bán hàng trăm triệu thiết bị mỗi năm, thiếu hàng trước thời điểm quan trọng như vậy chẳng khác gì cơn ác mộng.

Khó khăn từ những con chip dưới 1 USD

Nguồn tin từ chuỗi cung ứng cho biết trong tháng 9 và 10, sản lượng iPhone 13 giảm 20% so với kế hoạch. Ngay cả khi cắt linh kiện trên iPad, iPhone 12, iPhone SE để bù cho iPhone 13, tình hình cũng không khả quan khi sản lượng iPad giảm 50%, các đời iPhone cũ giảm 25% so với kế hoạch. Đến tháng 11, lượng máy sản xuất vẫn không cải thiện nhiều.

Theo Nikkei, Apple phải giảm mục tiêu sản lượng iPhone 13 trong năm từ 95 triệu xuống 83-85 triệu máy. Tuy tốc độ sản xuất tăng lại vào tháng 11, vẫn cần khoảng 15 triệu thiết bị để Apple đạt mục tiêu sản xuất 230 triệu chiếc iPhone trong năm 2021.

Ac mong truoc le Giang sinh cua Apple anh 2

Những linh kiện nhỏ, giá chưa tới 1 USD là nguyên nhân chính khiến dòng iPhone 13 trễ hẹn. Ảnh: iFixit.

“Do lượng linh kiện và chip hạn chế, không có lý do để làm tăng ca hay trả thêm lương cho công nhân vào dịp lễ. Điều đó chưa từng xảy ra trước đây. Trong quá khứ, kỳ nghỉ lễ vàng (dịp Quốc khánh) tại Trung Quốc luôn là thời điểm hối hả nhất khi các nhà cung ứng tăng cường sản xuất”, giám đốc một chuỗi cung ứng linh kiện chia sẻ với Nikkei.

CEO Tim Cook, người được xem là “bậc thầy” xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng, thừa nhận khủng hoảng linh kiện khiến Apple mất 3-4 tỷ USD doanh thu trong quý II, 6-7 tỷ USD trong quý III. Ông dự báo thiệt hại trong quý IV có thể lớn hơn.

Việc thiếu linh kiện không đến từ các thành phần như chip A15 Bionic, modem 5G hay màn hình OLED, thay vào đó là các linh kiện cơ bản như chip năng lượng của Texas Instruments (TI), chip thu phát tín hiệu của Nexperia hay chip kết nối từ Broadcom. Không chỉ trên iPhone, chúng còn cần thiết cho máy tính, trung tâm dữ liệu, đồ điện gia dụng và xe hơi thông minh.

Kể cả có sẵn 99% lượng linh kiện, chỉ cần thiếu một, 2 hoặc 3 thành phần, bạn cũng không thể lắp ráp sản phẩm.

Giám đốc một công ty cung ứng linh kiện cho Apple

Từ lâu, Apple luôn nằm trong danh sách ưu tiên giao hàng của đối tác. Dòng iPhone 13 được đặt kỳ vọng cao, tuy nhiên biến thể virus Delta bất ngờ bùng phát tại Đông Nam Á khiến công ty không kịp trở tay. Táo khuyết đã cử 10.000 quản lý, kỹ sư và nhân viên tức tốc mua chip.

“Ngày đầu tiên Malaysia lên kế hoạch phong tỏa, Apple đã tính toán các thành phần bị ảnh hưởng để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, rất khó để tránh khỏi tác động”, một nguồn tin nói với Nikkei. Trong khi đó, nhiều chuỗi cung ứng thừa nhận gặp khó khi tình hình dịch tại Việt Nam ảnh hưởng tới khả năng sản xuất.

Ac mong truoc le Giang sinh cua Apple anh 3

Nếu đặt hàng bây giờ, nhiều người sẽ không kịp nhận iPhone, iPad làm quà tặng dịp Giáng sinh. Ảnh: Reuters.

Đến cuối tháng 9, tình hình tồi tệ hơn khi Trung Quốc áp đặt lệnh hạn chế sử dụng điện tại các vùng công nghiệp trọng điểm, đặt nhiều cơ sở cung ứng linh kiện cho Apple. Các nhà sản xuất chỉ được thông báo trước một ngày, thậm chí vài giờ trước khi nguồn cấp điện bị hạn chế trong ít nhất một tuần. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa đàm phán với chính quyền địa phương vừa trấn an khách hàng, trong khi phải giữ chân người lao động ở lại công ty.

“Kể cả có sẵn 99% lượng linh kiện, chỉ cần thiếu một, 2 hoặc 3 thành phần, bạn cũng không thể lắp ráp sản phẩm”, giám đốc một công ty cung ứng linh kiện cho Apple chia sẻ.

Thách thức chưa từng có

Không chỉ Apple, khủng hoảng chuỗi cung ứng còn tác động đến nhiều công ty, gồm các hãng smartphone như Samsung, Xiaomi, Oppo, công ty máy tính như Dell, HP, Acer, hãng máy chơi game Sony, Nintendo và các công ty điện gia dụng như Dyson, LG. Giám đốc nhiều chuỗi cung ứng thừa nhận không thể sản xuất đủ sản phẩm cho mùa mua sắm cuối năm.

Theo Nikkei, sản lượng máy chơi game Switch của Nintendo thấp hơn 20% so với kế hoạch đặt ra vào tháng 3. Xiaomi cho biết hạn chế nguồn cung khiến lượng smartphone xuất xưởng thấp hơn 20 triệu chiếc. Nỗi lo lớn nhất của các công ty là nhu cầu người dùng không còn sau khi mùa mua sắm kết thúc.

Jason Chen, CEO Acer, hãng sản xuất máy tính lớn thứ 4 thế giới, khẳng định chưa từng gặp khó khăn như vậy.

“Ngày lễ Giáng sinh không bị hủy bỏ, nhưng (ngành công nghệ) gặp nhiều khó khăn. Kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành không đủ khi chúng tôi chưa từng trải qua điều này. Không ai biết cách giải quyết hợp lý”, Chen thừa nhận.

Ac mong truoc le Giang sinh cua Apple anh 4

Nintendo chỉ là một trong nhiều công ty gặp khó do không thể đáp ứng mục tiêu sản lượng do khủng hoảng linh kiện. Ảnh: TechSpot.

Với các hãng không bán hàng trăm triệu thiết bị như Apple hay Samsung, khủng hoảng chip còn đặt ra thách thức lớn hơn do khả năng thương lượng kém, không được ưu tiên giao hàng.

“Chúng tôi liên tục trao đổi với nhà cung ứng. Tuy nhiên so với các hãng smartphone hay máy tính phổ thông, ngành máy tính công nghiệp có mức độ ưu tiên thấp hơn. Đôi khi các nhà cung ứng có sẵn chip nhưng không giao cho chúng tôi trước. Hệ thống máy tính 1.000 USD của chúng tôi không thể xuất xưởng do thiếu các linh kiện có giá chưa tới 1 USD“, Miller Chang, Chủ tịch mảng IoT tại Advantech, hãng máy tính công nghiệp lớn nhất thế giới cho biết.

Nguồn gốc khủng hoảng chip toàn cầu

Trên thực tế, khủng hoảng chip có nguồn gốc từ trước khi đại dịch bùng phát, một phần do căng thẳng Mỹ – Trung Quốc, đặc biệt khi tập đoàn viễn thông Huawei hứng chịu lệnh trừng phạt.

Sau khi Giám đốc Tài chính Mạnh Văn Châu bị bắt tại Canada tháng 12/2018 và bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Huawei đã dự trữ các linh kiện quan trọng như chip và bộ phận quang học. Nỗi sợ từ Huawei lan ra các hãng công nghệ Trung Quốc, khơi mào chiến dịch tích trữ linh kiện lớn để tồn tại trong trường hợp bị Mỹ trừng phạt.

Trong số 5 công ty lớn của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen hoặc cáo buộc liên quan đến quân đội, lượng linh kiện tích lũy của họ tăng liên tục từ quý III/2018, đạt mức kỷ lục 17,2 tỷ USD vào quý III năm nay. Hiện tại, Mỹ đã đưa khoảng 150 công ty, tổ chức nghiên cứu và trường đại học của Trung Quốc vào danh sách hạn chế tiếp cận công nghệ của Mỹ.

Năm 2020, Mỹ liệt SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc vào danh sách hạn chế hợp tác. Động thái này khiến nhiều khách hàng của SMIC chuyển sang đặt chip từ đối thủ do sợ đứt gãy chuỗi cung ứng. Khi khủng hoảng trầm trọng, họ quay về đặt chip của SMIC do công ty này vẫn còn hàng tích trữ.

“Câu hỏi đặt ra là ai sẽ không dự trữ linh kiện? Nếu không làm như vậy, sẽ là canh bạc sống còn nếu công ty đó đối mặt tình huống địa chính trị bất ngờ”, Donnie Teng, nhà phân tích công nghệ của Nomura Securities cho biết.

Ac mong truoc le Giang sinh cua Apple anh 5

SMIC là một trong những hãng chip tại Trung Quốc nhanh chóng tích trữ hàng để đối phó lệnh trừng phạt từ Mỹ. Ảnh: CNBC.

Đại dịch bùng phát đã thay đổi hành vi con người, khiến các công nghệ như 5G, xe điện, trí tuệ nhân tạo (AI) được quan tâm hơn. Từ đó, nhu cầu tiêu thụ chip và linh kiện tăng theo. Một năm trước, nhiều chuỗi cung ứng tự tin về nhu cầu tiêu thụ ổn định đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, điều đó nhanh chóng trở thành cơn ác mộng.

“Hôm nay thiếu thành phần này, ngày mai thành phần khác gặp vấn đề. Sự gián đoạn có thể xảy ra tại các khu vực khác nhau của Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc và nhiều nơi khác. Trước đây chỉ cần bán chip nhưng bây giờ, chúng tôi phải tiếp nhận mọi yêu cầu khẩn cấp từ khách hàng để xem có giải quyết được hay không”, một quản lý của Intel nói với Nikkei.

Ngành xe hơi cũng không thoát khỏi khó khăn. Chính phủ nhiều nước gây áp lực khiến các nhà sản xuất chip tăng lượng cung ứng cho xe, ảnh hưởng đến những quốc gia và công ty trong lĩnh vực khác. Điều đó khiến thời gian giao hàng nhiều loại chip kéo dài 52 tuần hoặc lâu hơn. Giá những con chip chưa đến 1 USD bị đội lên 200-300%, thậm chí tăng hàng chục lần hoặc cao hơn với các loại chip có thể giao hàng ngay.

“Chúng tôi cử người ngồi trước máy tính, truy cập các trang web để xem có thể mua chip ngay hay không. Nếu tìm thấy, chúng tôi có thể yêu cầu ngân hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng để mua khoản chip đó. Nếu đến các nhà cung ứng, họ sẽ nói thời gian giao hàng ít nhất là 52 tuần”, Devin Hsiao, Giám đốc công ty giải pháp lưu trữ Transcend Information cho biết.

Tình hình chưa thể khởi sắc vào năm 2022?

Tuy báo cáo doanh thu lớn trong quý III, Foxconn, một trong những đơn vị lắp ráp iPhone chính của Apple, không chắc chắn về tình hình năm 2022 khi tình trạng thiếu chip, lạm phát và thay đổi địa chính trị vẫn diễn ra. Trong khi đó, Apple có thể công bố lợi nhuận cao trong quý IV dù doanh thu giảm hàng tỷ USD. CEO Tim Cook cũng có thể dự báo tình hình năm 2022 trong đợt báo cáo tài chính tổ chức vào tháng sau.

Ac mong truoc le Giang sinh cua Apple anh 6

Foxconn cho rằng khủng hoảng chip có thể tiếp diễn vào năm 2022. Ảnh: SCMP.

Dù gặp khủng hoảng, một đợt đầu tư lớn đang diễn ra trong ngành. Theo hiệp hội chip toàn cầu SEMI, chi tiêu vốn cho ngành bán dẫn tăng 34%, đạt mức kỳ lục 95,3 tỷ USD năm 2021, dự kiến cán mốc 100 tỷ USD trong năm 2022. Intel, TSMC và Samsung, 3 hãng chip lớn nhất thế giới có kế hoạch đầu tư 350 tỷ USD, xây nhiều nhà máy để giảm khủng hoảng chip. Tuy nhiên, đa số chỉ có thể sản xuất hàng loạt từ năm 2023.

Nhiều nguồn tin cho biết Apple đã yêu cầu các nhà cung ứng đẩy nhanh sản xuất iPhone trong tháng 11, 12 và tháng 1/2022.

“Nhu cầu với dòng iPhone 13 có thể kéo dài đến tháng 1 năm sau. Apple không muốn bỏ lỡ cơ hội giành thị phần từ Huawei, trong khi Samsung và Xiaomi đang gặp khó khăn về chip và linh kiện”, một nguồn tin thân cận cho biết. Sau đợt Tết Nguyên đán vào tháng 2/2022, nhu cầu iPhone có thể hạ nhiệt tương tự các năm trước.

Giám đốc một hãng cung ứng linh kiện cho iPhone nói Apple liên tục trấn an họ về nhu cầu. “Tuy nhiên, tháng nào chúng tôi cũng không thể đạt mục tiêu đề ra… Chúng tôi không biết lượng hàng bị thiếu sẽ trở lại hay biến mất”, vị giám đốc này chia sẻ.

Robot y tá Grace được sinh ra từ khủng hoảng Covid-19 Grace là robot hình người mới nhất được chế tạo bởi công ty Hanson Robotics.

Tesla giao xe thiếu cổng USB

Nhiều người phản ánh tình trạng thiếu cổng USB ở các dòng xe Tesla Model 3 và Model Y. Nguyên nhân đến từ khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu.

Xe tải chở card đồ họa RTX tại Mỹ bị cướp

Khủng hoảng bán dẫn cùng cơn sốt đào coin khiến card đồ họa trở thành mặt hàng khan hiếm, đắt giá.

iPhone 13 cháy hàng nhưng Apple có thể không vui

Cuộc khủng hoảng chip, linh kiện điện tử toàn cầu khiến Apple không thể sản xuất iPhone 13 đủ để bán vào dịp cuối năm. Đây là cách “cháy hàng” mà Táo khuyết không mong muốn.

Ác mộng trước lễ Giáng sinh của Apple

Apple

iPhone

Apple

Intel

TSMC

SMIC

Nintendo

Trung Quốc

Mỹ

khủng hoảng

linh kiện

bán dẫn

chip

Covid-19

thương chiến

ác mộng

iPhone