Đây là một trong các nhiệm vụ của ngân hàng nhà nước trong giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ vừa có quyết định số 1813/QĐ-TTg vào ngày 28/10 về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đề án, Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia trong giai đoạn này.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước là Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan.
Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Ảnh: Quang Thắng. |
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao hoàn thành xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng
Theo quyết định, việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách là một trong những giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong luật hiện hành, việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế đối với tiền kỹ thuật số quốc gia cũng được đưa ra.
Để đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán hiện đại, quyết định của Chính phủ cho rằng cần phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, các loại hình thanh toán qua di động như QR Code, thanh toán di động, phi tiếp xúc, ví điện tử.
Bên cạnh đó, dịch vụ thanh toán dùng tài khoản viễn thông (mobile money) cũng được đánh giá là giải pháp giúp tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Mobile money được đánh giá là cách để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tới vùng sâu, vùng xa. Ảnh: VT. |
Tại hội nghị của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương diễn ra cuối tháng 9, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đánh giá mobile money là cách nhanh nhất để thanh toán điện tử được phủ toàn dân, có thể tạo thành cú huých mạnh mẽ, thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.
Theo quyết định của chính phủ, Bộ Thông tin & Truyền thông được giao chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn, trong đó có quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử; cũng như xây dựng quy định về định danh và xác thực điện tử.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có khái niệm chính thức về “tiền kỹ thuật số quốc gia”. Trên thế giới, một số nước đã nghiên cứu, thử nghiệm phiên bản tiền điện tử của tiền pháp định, do các ngân hàng trung ương phát hành.