Hãng công nghệ Trung Quốc đang tìm mọi cách cải thiện tình hình kinh doanh sau 2 năm hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trên trang thương mại điện tử Vmall của Trung Quốc, Huawei đang bán một số mẫu smartphone qua sử dụng, được tân trang với pin mới, chạy hệ điều hành Harmony OS 2.0 do hãng tự phát triển thay cho Android.
Một thương hiệu có tên TD Tech cũng mở chương trình đặt trước N8 Pro, mẫu smartphone được đổi tên từ Huawei Nova 8 Pro 5G với cấu hình tương tự, kể cả chip xử lý Kirin 985 5G do HiSilicon, công ty chip của Huawei phát triển.
Huawei đang bán một số smartphone tân trang trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Dù TD Tech N8 Pro nhanh chóng bị xóa khỏi Vmall sau khi thu hút nhiều sự quan tâm, điều đó cho thấy Huawei đang cấp phép thiết kế điện thoại cho các nhà sản xuất bên thứ ba. Cùng với việc bán điện thoại tân trang, SCMP nhận định Huawei đang tìm cách mở rộng doanh thu trong bối cảnh khó khăn do lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ.
Nicole Peng, Phó chủ tịch mảng di động của hãng nghiên cứu Canalys nhận định việc bán điện thoại tân trang có thể giúp Huawei giữ chân khách hàng thay vì để họ lựa chọn thiết bị của đối thủ. Tuy nhiên, Peng cho biết lượng người dùng có xu hướng thu cũ đổi mới điện thoại ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Huawei từng chiếm 27% thị phần smartphone tại Trung Quốc vào tháng 9/2020. Đến quý III/2021, con số trên chỉ còn 7-8%, theo nhà phân tích Ivan Lam từ Counterpoint Research.
Lam cho rằng thị phần của hãng sẽ tiếp tục giảm trong quý IV. Đến thời điểm này, Huawei không còn khả năng sản xuất smartphone 5G số lượng lớn nữa.
Huawei bị liệt vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào năm 2019. Kể từ đó, tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới đã điều chỉnh các hoạt động kinh doanh cho phù hợp với lệnh cấm. Một trong những điều khoản cấm Huawei làm việc với các nhà sản xuất chip sử dụng công nghệ của Mỹ.
Vào tháng 10, Huawei công bố doanh thu giảm 32% trong 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, còn doanh thu 6 tháng đầu năm giảm 29,4%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mảng kinh doanh thiết bị viễn thông và smartphone bị đình trệ bởi lệnh cấm.
Từ cuối năm 2020, Huawei đã tập trung vào những công nghệ mới nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, bao gồm mở rộng dịch vụ đám mây tại châu Á, cung cấp trạm phát sóng 5G cho các nhà mạng Trung Quốc, tăng cường các thỏa thuận cấp bằng sáng chế, phát triển hệ điều hành HarmonyOS và bán thương hiệu con Honor.
Việc bán Honor giúp giải phóng thương hiệu khỏi lệnh cấm của Mỹ. George Zhao, CEO Honor cho biết công ty có thể mua linh kiện từ các nhà sản xuất như Qualcomm. Thành công của bước đi này khiến Huawei có thêm động lực tìm giải pháp mới, chống lại lệnh cấm từ Mỹ.
Mẫu smartphone TD Tech N8 Pro là phiên bản đổi tên của Huawei Nova 8 Pro 5G. Ảnh: TD Tech. |
Trước đó vào 15/11, Bloomberg đưa tin Huawei đang xem xét cấp phép những thiết kế di động của hãng cho Công ty Thiết bị Viễn thông và Bưu chính Trung Quốc (TPAC). Sau đó, TPAC sẽ tìm cách mua các linh kiện của Mỹ để sản xuất điện thoại.
Trước đó, đơn vị Xnova thuộc TPAC từng bán smartphone mang thương hiệu Nova của Huawei trên các sàn thương mại điện tử. Một số nguồn tin cho biết doanh nghiệp Trung Quốc TD Tech cũng sẽ tham gia sản xuất các thiết kế từ Huawei dưới thương hiệu của mình.
Việc cấp phép sản xuất điện thoại có thể giúp Huawei cải thiện tình hình. Tuy nhiên, điều đó có thể khiến các đối tác như TD Tech rơi vào tầm ngắm của Mỹ.
“Đây vẫn là điều rất nhạy cảm. Các công ty không muốn trở thành mục tiêu”, nhà phân tích Ivan Lam cho biết.