Hành động đọc những dòng chữ này đồng nghĩa với việc bạn đang tham gia môi trường không gian mạng hiện đại, và tất cả những trải nghiệm của bạn hiện tại khác biệt lớn với những gì người dùng trải qua 10 năm trước. Vậy Internet đã tiến hóa như thế nào? Và đâu sẽ là “bến đỗ” tiếp theo của con tàu tốc hành?
Tại sao những điều này lại quan trọng?
Bạn hãy nghĩ về những ảnh hưởng của mạng lên cuộc sống hàng ngày của mình, đồng thời đánh giá những thay đổi mà mạng tạo ra, soi xét những nền tảng mới hình thành nhờ nền móng internet. Ngay lúc này đây, mạng đang tiếp tục chuyển mình, lột xác để trở thành một phiên bản mới hoàn thiện hơn. Nhưng khác với sinh vật sống tiến hóa để thích nghi với mọi hoàn cảnh, mạng lại là môi trường tự tiến hóa để kéo theo những bước nhảy vọt công nghệ khác.
Mạng đã thay đổi nhiều trong những năm qua, không còn giống với mạng Internet của thuở xưa. Có thể chia ra 3 giai đoạn phát triển của mạng, là Web 1.0, Web 2.0 và Web 3.0.
Cũng giống với “1” khởi đầu dãy số tự nhiên, Web 1.0 là giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng World Wide Web diễn ra trong khoảng 1991-2004. Theo lời các chuyên gia, có rất ít các nhà sáng tạo nội dung trong giai đoạn Web 1.0.
Đa số người dùng là những cá nhân tiêu thụ các nội dung được sản xuất, và đa số nội dung là các trang web chứa thông tin do cá nhân đăng tải. Không nhiều các công ty, các doanh nghiệp tìm tới miền đất còn hoang vu này. Hầu hết các trang của thời Web 1.0 chứa các nội dung tĩnh, trích xuất từ một hệ thống quản lý tệp tin tĩnh chứ không được chứa trong một cơ sở dữ liệu lớn.
Vì giới hạn của công nghệ, Web 1.0 không thể phát triển. Ở thuở hồng hoang của không gian mạng, tốc độ truyền tải dữ liệu còn thấp, các thiết bị di động chưa đại trà, máy tính cá nhân vẫn còn là những cỗ thiết bị nặng nề và rườm rà.
Lúc này, mạng Internet mới chỉ là công cụ truyền tin hữu hiệu; các tờ bướm quảng cáo dạng số, các email, những nền tảng mua sắm trực tuyến dạng tĩnh với chỉ ảnh và chữ (như Amazon và eBay), các forum và blog cá nhân mọc lên như nấm sau mưa. Tất cả những kỹ thuật, công nghệ thiết yếu như AJAX, HTML 4, JavaScript hay Java, … đều đã manh nha thành hình hay bắt đầu ổn định, duy chỉ có công nghệ phần cứng chưa theo kịp bộ óc sáng tạo của các lập trình viên.
Tháng 1/1999, cố vấn kiến trúc thông tin Darcy DiNucci lần đầu tiên ứng dụng thuật ngữ “Web 2.0” trong bài viết mang tên “Fragmented Future – Tương lai Phân mảnh”:
Phải đến năm 2004, định nghĩa “Web 2.0” mới được đại chúng hóa sau một buổi hội nghị do O’Reilly Media và MediaLive tổ chức. Tại sự kiện, John Battelle và Tim O’Reilly nêu định nghĩa “mạng như một nền tảng”, là nơi mà ai cũng có thể tham gia sáng tạo nội dung và chung tay xây dựng cộng đồng.
Người dùng không chỉ đọc những gì hiển thị trên một trang web, mà còn được trực tiếp đóng góp nội dung và lập tài khoản để tham gia bình luận, tương tác với những người dùng khác. Không chỉ lập trình viên mới có khả năng tham gia kiến tạo nội dung cho Web 2.0, chính bạn – người dùng cũng nắm trong tay quyền lực sáng tạo.
Hậu thuẫn yếu tố người dùng là 3 tiến bộ công nghệ, 3 động cơ thúc đẩy Web 2.0 bứt phá nhanh đến vậy. Đó là yếu tố di động, mạng xã hội mở và yếu tố lưu trữ đám mây.
Khi iPhone ra mắt năm 2007, việc truy cập Internet di động đồng thời mở rộng lượng người sử dụng lẫn thay đổi thói quen sử dụng mạng. Từ ngồi một chỗ bám lấy modem dial-up vài giờ một ngày, chúng ta chuyển dần sang sử dụng mạng không dây 24/7; người sử dụng đã đang sống trong trạng thái kết nối liên tục, toàn bộ cái đa dạng của Internet đã nằm gọn trong túi.
Trước thời điểm Friendster, MySpace và Facebook xuất hiện, Internet vẫn là vùng đất hoang vu và tăm tối, đây đó là những tụ điểm lớn – các forum, các kênh thông tin cho phép người dùng để lại bình luận và những “quầy thông tin cá nhân nhỏ” – các blog, các trang WordPress cá nhân. Khi mạng xã hội trở thành không gian chung cho phép hàng triệu người có cơ hội kết nối, một cộng đồng ảo với độ phủ chưa từng có đã thay đổi cách nghĩ của người dùng.
Khi phơi bày nhiều các yếu tố cá nhân ra ánh sáng, mạng xã hội khiến hành vi của đại bộ phận người sử dụng ôn hòa hơn (nhưng cũng đồng thời trao “loa phóng đại” cho một bộ phận cực đoan truyền bá tư tưởng lệch lạc), từ đó sản sinh ra những thứ nội dung đặc biệt chỉ có thể tồn tại trong thời kỳ mở của Internet.
Từ việc đơn giản như chia sẻ kiến thức để lập ra một bách khoa toàn thư chung, chia sẻ ảnh với người thân cho tới chia sẻ nhà riêng với người lạ qua các ứng dụng cho thuê nhà (AirBnB), thậm chí dám ngồi lên xe người lạ và giao mạng sống của mình cho họ (Uber, Grab).
Công nghệ điện toán đám mây đảm nhiệm những công việc nặng nhọc của lưu trữ, tính toán và điều phối. Các doanh nghiệp lớn không cần phải bỏ công sức duy trì những hệ thống server khổng lồ, mà đã có thể thuê ngoài và giảm được gánh nặng chi phí vận hành. Quy mô doanh nghiệp càng lớn, lợi ích từ việc thuê ngoài các dịch vụ đám mây càng cao.
Nhưng mọi thứ còn có thể tốt hơn nữa …
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, người ta tin rằng thế hệ tiếp theo của Internet sẽ là Semantic Web, thuật ngữ và công nghệ do Ngài Timothy Berners-Lee – cha đẻ của công nghệ World Wide Web (WWW) – khởi xướng. Với ông, Semantic Web sẽ chứa vô vàn những cỗ máy có thể xử lý dữ liệu giống với não bộ con người, tức là hiểu rõ được cả nội dung và bối cảnh của dữ liệu.
Khó khăn về AI là lý do chính khiến Semantic Web không thể thành công. Máy móc không thể nhận biết đâu là tờ “báo”, đâu là con “báo” nếu không thể hiểu bối cảnh xuất hiện hai khái niệm trên.
Dù không phải Semantic Web mà Berners-Lee mường tượng ra, Web 3.0 vẫn sẽ mang những đặc tính giống với khái niệm web nguyên bản: nó là một nền tảng cho phép người dùng kết nối mà không cần một cơ quan chủ quản cho phép truy cập hay đăng tải nội dung, nó không sở hữu một máy chủ kiểm soát tất cả, và không hiện hữu một “công tắc đặc biệt” có thể lập tức ngắt kết nối toàn bộ hệ thống.
Cho dù Web 2.0 vẫn đang tiếp tục mang lại trái ngọt, ánh mắt hướng đến tương lai của con người vẫn đang nhìn thấy những cơ hội mới. Sẽ có ba khái niệm chủ đạo dẫn dắt Web 3.0, đó là độ mở, sự bất tín và vô phép tắc.
“Độ mở” sẽ tới từ các phần mềm mã nguồn mở xuất xứ từ các cộng đồng lập trình viên, tất cả nội dung được viết ra và dựng thành sản phẩm sẽ đều mở trước công chúng.
“Bất tín” bởi lẽ Web 3.0 sẽ cho phép người sử dụng tương tác công khai hoặc kín đáo với nhau mà không sử dụng một bên thứ ba được cả hai cùng tin tưởng.
“Vô phép tắc” là vì bất cứ ai, dù là người dùng ngay nhà cung ứng dịch vụ, cũng sẽ tham gia Web 3.0 mà không dưới sự kiểm soát của một thực thể nắm quyền nào.
Một mạng kết nối cởi mở giữa người và người, không còn đặt niềm tin vào một bên thứ ba sẽ mở ra cơ hội phối kết hợp, đẩy nhanh tiến độ các công việc liên quan tới dịch vụ, xử lý dữ liệu, cung cấp nội dung, những thứ vốn làm tắc nghẽn những lĩnh vực phức tạp như chăm sóc sức khỏe, phân phối thực phẩm, tài chính, v.v…
Trong nền tảng Web 2.0, máy tính cá nhân thường được biến thành các hệ thống máy chủ và các trung tâm dữ liệu lớn. Nhưng khi Web 3.0 thành hình, dữ liệu sẽ không còn được lưu trữ ở trung tâm, mà sẽ tản ra bên lề, tức là được đưa vào tay từng người dùng. Sức xử lý dữ liệu của mọi thiết bị có trong mạng, từ điện thoại thông minh, máy tính cá nhân cho tới xe điện gắn trí tuệ nhân tạo, sẽ tạo nên sức xử lý chung của một hệ thống xử lý dữ liệu khổng lồ.
Mạng lưới dữ liệu phi tập trung sẽ cho phép từng cá nhân tự tay sở hữu dữ liệu của mình, toàn quyền trao đổi, buôn bán chúng mà không phải dựa vào một bên thứ ba. Thông thường, hành động tin tưởng bên thứ ba sẽ đi kèm với việc người dùng trao đi những dữ liệu riêng tư, bí mật vốn được giấu kín ngoài đời thực. Một mạng lưới dữ liệu phi tập trung sẽ cho các cá nhân mang dữ liệu của mình tham gia vào “nền kinh tế dữ liệu” đã và đang ngày một hiện rõ.
Trí tuệ nhân tạo và các thuật toán machine learning đã đủ mạnh để tạo ra những dự đoán, những hành động hữu hiệu trong thế giới thực (đơn giản nhất, là dự báo thời tiết đã ngày một chính xác hơn trước nhờ sức xử lý của siêu máy tính và các hệ thống tổng hợp dữ liệu tương tự). Khi đặt khả năng xử lý mạnh mẽ này lên một nền móng dữ liệu phi tập trung, siêu máy tính sẽ vươn tới được một lượng dữ liệu lớn ngoài sức tưởng tượng. Ứng dụng của các thuật toán dự đoán, loại trừ sẽ còn đơn giản là quảng cáo đúng mục tiêu (targeted marketing), mà sẽ góp công đẩy mạnh việc nghiên cứu vật liệu mới, thiết kế thuốc với thành phần mới, hay lập ra mô hình dự báo khí hậu, thời tiết chính xác hơn.
Web 3.0 mở ra một tương lai mà tại đó, người dùng cùng siêu máy tính đồng thời tương tác với dữ liệu thông qua một mạng ngang hàng (peer-to-peer) mà không cần tới sự can thiệp của bên thứ ba. Đây sẽ là nền tảng vững chắc đặt yếu tố cá nhân làm trọng tâm, có tính bảo mật cao và sẽ là đòn bẩy cho một nền tảng mạng Internet mới, cởi mở, an toàn và phi tập trung.
Web 1.0 và 2.0 giảm thiểu chi phí liên lạc giữa người dùng và doanh nghiệp, cho phép quá trình trao đổi giá trị, thông tin diễn ra, đồng thời mang tới cầu nối giữa các bên chưa từng biết tới nhau. Những doanh nghiệp có quy mô quốc tế xuất hiện, lớn gấp nhiều lần phiên bản cũ của chúng. Bỗng nhiên, một niềm tin phủ lên toàn cầu cho phép chúng ta giao thương với người lạ mà không cần gặp mặt, lên xe người lạ mà không lo mất mạng, v…
Nhưng trớ trêu thay, việc người dùng quá phụ thuộc vào nền tảng vô hình trung trao quyền lực cho bên thứ ba – những người kiểm soát nền tảng có khả năng triệt tiêu mọi người dùng đang sử dụng dịch vụ trên nền tảng ấy. Người dùng biến thành món hàng, thành nhiên liệu giúp cỗ máy lớn chuyển mình. Hơn nữa, những nền tảng lại đồng thời biến thành những cỗ máy khuếch đại những tư tưởng, quan niệm sai lầm, làm lệch lạc sự thật hiển nhiên vốn được công nhận bấy lâu.
Với Web 3.0, người sử dụng có thể cởi mở trao đổi giá trị, cộng tác với nhau mà chưa cần phải lập tức tin tưởng lẫn nhau, cũng không phải đặt niềm tin vào một bên thứ ba với mục đích chưa rõ nữa. Thông qua một nền tảng mở và phi tập trung như Web 3.0, mức độ tín nhiệm cần để hợp tác sẽ không còn quá quan trọng.
Tương tác người với người, người với máy sẽ vượt xa trí tưởng tượng của ta hiện tại. Những tương tác này sẽ được thực hiện với độ trơn tru chưa từng có, và không còn phải thông qua một bên thứ ba vốn vẫn yêu cầu trả phí. Từ sự tự do này, những mô hình kinh doanh chưa từng hiện hữu sẽ có cơ sở tồn tại: những màn hợp tác quy mô toàn cầu lớn chưa từng có, những tổ chức tự hành phi tập trung phục vụ mục đích lớn, hay những không gian mạng tự quản cho phép người sử dụng tự do trao đổi dữ liệu.
– Xã hội hoạt động hiệu quả hơn khi loại bỏ bên thứ ba, khi giá trị của dữ liệu, của hàng hóa nằm tại tay người dùng và người cung ứng.
– Người dùng, các tổ chức và máy móc chia sẻ thông tin với mức bảo mật cao hơn.
– Không còn rủi ro tới từ bên thứ ba kiểm soát nền tảng lớn nữa. Khi những khoản đầu tư của từng cá nhân, từng tổ chức không còn bị phụ thuộc vào nền tảng chung, rủi ro sẽ thấp hơn phần nào.
– Người dùng sẽ sở hữu và kiểm soát hoàn toàn tài sản số của mình, đảm bảo quyền sở hữu thông qua các công nghệ như blockchain.
– Thông qua cách phân tán dữ liệu, làm chủ dữ liệu linh hoạt, những người tham gia sử dụng nền tảng mới có thể chung tay giải quyết những vấn đề khó giải quyết trước đây, như cùng giải quyết nạn thiếu lương thực, nước uống hay những vấn đề môi trường, khí hậu.
Tác dụng của Web 3.0 đâu chỉ dừng lại ở việc hậu thuẫn tiền mã hóa. Với những tương tác nay đã có thể mang tính cá nhân sâu hơn, quy mô toàn cầu được đẩy lên cao hơn, Web 3.0 sẽ sử dụng thuật toán machine learning tiên tiến để kết nối dữ liệu giữa người, các tổ chức và các hệ thống máy móc. Yếu tố cá nhân sẽ được đặt lên cao hơn, khi người dùng không còn bị chi phối bởi những tổ chức quyền lực. Tài sản, lợi ích sẽ nằm lại tay từng cá nhân, sẽ do các cá nhân định đoạt.
Tham khảo Forbes, Medium, FreeCodeCamp