Tối 11/11, ĐT Việt Nam đã có trận đấu thứ 5 tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đây là trận đầu tiên SVĐ Mỹ Đình đón khán giả sau một thời gian dài dịch bệnh nên khu vực khán đài nhận về rất nhiều sự chú ý từ mọi người, thường xuyên được các cameraman cho lên sóng.
Tại đây, nhiều người đã nhanh chóng nhận ra sự xuất hiện của những gương mặt quen thuộc với dân mạng, trong số đó nổi bần bật nhất phải kể đến 2 hot girl thị phi là Đỗ Thị Trâm Anh và Lê Phương Anh. Sau khi trận đấu kết thúc, hình ảnh 2 cô gái cũng xuất hiện khắp nơi trên MXH.
Và chính từ đây, netizen không khỏi bức xúc, chỉ trích dữ dội khi phát hiện ra Trâm Anh và Phương Anh mặc áo, cầm bảng hashtag cầm tay ngang nhiên PR cho M88 – 1 sàn cờ bạc và cá cược bóng đá bất hợp pháp.
Trâm Anh cầm hashtag cầm tay mang tên sàn cờ bạc
Phương Anh cũng mặc áo và check-in trên khán đài
Sở dĩ việc PR của Trâm Anh và Phương Anh bị chỉ trích bởi M88 là một sàn cờ bạc, cá độ bóng đá bất hợp pháp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an ninh, kinh tế xã hội. Vì vậy mà việc ngang nhiên PR này của 2 hot girl có thể bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tế M88 đã nhiều lần bị lực lượng chức năng xử lý, thậm chí đường link chính thức còn bị chặn ở Việt Nam, phải hoạt động chui. Tuy nhiên máy chủ của sàn này được đặt ở nước ngoài, gây khó khăn trong việc xử lý triệt để.
Hiện chúng tôi đang liên lạc với 2 cô gái này để tìm hiểu sự việc.
Theo luật, hành vi quảng cáo cho trang cá cược trái phép bị cấm tại Việt Nam. Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo với mức phạt tiền từ 1-90 triệu đồng.
Thậm chí, việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015.
Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối về dịch vụ, người vi phạm còn có thể đối mặt với án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tiền đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội đánh bạc:
Điều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điểm b, khoản 2, điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HD hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự:
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
Ảnh: Tổng hợp