Nữ nhân viên bật khóc trong lúc viết email gửi đến Jeff Bezos. Cô là một trong hàng trăm người lao động của Amazon bị thẳng tay trừ lương khi nghỉ theo chế độ.
Một năm trước, Tara Jones, nhân viên kho hàng Amazon ở Oklahoma (Mỹ), bế đứa trẻ sơ sinh của mình trên tay, xem qua phiếu lương và nhận thấy bị thiếu 90 USD.
Việc này tiếp tục lặp lại sau khi cô phản ánh vấn đề với bộ phận quản lý. Không chấp nhận bị mất đi khoảng thu nhập chính đáng, Jones gửi email đến Jeff Bezos, một trong những người giàu nhất thế giới, nhà sáng lập và điều hành hoạt động của Amazon.
Tara Jones gửi email đến Jeff Bezos trong nước mắt. Ảnh: New York Times. |
“Tôi đã thanh toán hoá đơn trễ, tất cả là do bộ phận trả lương gây ra. Tôi đang khóc khi viết email này”, Jones cho biết trong thư.
Sai lầm hệ thống
Sau bức thư của Jones, một cuộc điều tra nội bộ đã chỉ ra sự việc này không phải là trường hợp cá biệt. Hệ thống tính lương của Amazon đã thẳng tay trừ thu nhập của hàng trăm nhân viên nghỉ phép theo chế độ – những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Theo New York Times, trong thời gian ít nhất 18 tháng, khi mà lợi nhuận của gã khổng lồ thương mại điện tử đạt kỷ lục, Amazon tính lương không đầy đủ đối với những nhân viên mới sinh con, gặp bệnh hoặc các trường hợp nghỉ vì khó khăn khác trong cuộc sống. Khoảng 179 người có thể đã bị ảnh hưởng bởi việc này.
Theo Kelly Nantel, phát ngôn viên của công ty, đến nay Amazon vẫn đang xác định và trả nợ cho người lao động bị tính lương thiếu.
Công việc của nhân viên kho, giao vận tại Amazon thường bị đánh giá là rất nặng nhọc, phúc lợi thấp. Ảnh: Reuters. |
Sai sót chỉ là một phần trong hệ thống xử lý trường hợp nhân viên nghỉ có lương và không lương của Amazon. New York Times thu thập tài liệu nội bộ dài hàng trăm trang của công ty, trong đó thể hiện nhiều người lao động, kể cả công nhân và nhân viên văn phòng, bị đối xử bất công về việc làm và tiền lương.
Chúng tôi đã mất tất cả
James Watts, cựu nhân viên bị thôi việc sau khi lên cơn đau tim
Theo một số nhân viên cũ, hàng loạt trường hợp người lao động của Amazon bị bệnh hoặc gặp các vấn đề khác, đã bị sa thải vì phần mềm chấm công đánh dấu vắng mặt không phép. Thông tin xác nhận tình trạng bệnh từ bác sĩ cũng biến mất khó hiểu trong cơ sở dữ liệu của Amazon.
Các nhân viên phải chật vật liên hệ trực tiếp với người quản lý hồ sơ của họ. Họ chờ phản hồi từ tổng đài tự động, sau đó chuyển tiếp cho những chuyên viên tại văn phòng đặt khắp nơi, từ Costa Rica, Ấn Độ đến Las Vegas. Tất cả đều quá tải và hệ thống xử lý vấn đề nghỉ việc của Amazon chạy trên những nền tảng không liên thông nhau.
Đến khi quay trở lại làm việc, một số người nhận ra hệ thống đã không ghi nhận yêu cầu của họ, đánh dấu nghỉ không phép, từ đó dẫn đến mất thu nhập theo tuần hoặc tháng.
Amazon làm ngơ
James Watts, 54 tuổi, đã làm việc tại Amazon ở Chattanooga, thuộc bang Tennessee (Mỹ) 6 năm. Gần đây ông lên cơn đau tim và phải tạm nghỉ. Khi sự cố xảy ra, quyền lợi của Watts cũng bị công ty cắt. Việc mất thu nhập đột ngột đã gây ra thảm họa cho nhân viên này.
Xe của Watts bị thu hồi vì trễ hạn trả 2 tuần. Chi phí ăn uống và điều trị khiến kinh tế kiệt quệ, vợ chồng ông phải bán cả nhẫn cưới.
James Watts phải bán cả nhẫn cưới để trị bệnh khi bị Amazon cắt lương đột ngột. Ảnh: New York Times. |
“Chúng tôi đã mất tất cả”, James Watts cho biết.
Vài tháng sau, quyền lợi của ông được khôi phục mà không có lời giải thích nào.
Theo New York Times, trao đổi nội bộ cho thấy những người điều hành tại Amazon đã nhận ra sai sót trong bộ máy quản lý. Họ cảnh báo tình trạng “mức độ dịch vụ không đầy đủ”, “quy trình thiếu hụt” và hệ thống “dễ bị chậm trễ và lỗi”.
Trong nhiều năm, Amazon đã vươn lên vị trí nhà bán lẻ hàng đầu trên Internet. Họ dành cho khách hàng những gói dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi. Nhưng doanh nghiệp này không quan tâm đến cách phục vụ nhân viên.
“Mất rất nhiều thời gian để chúng tôi tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, chúng tôi tập trung vào điều đó”, Bethany Reyes, người phụ trách sửa lỗi hệ thống xử lý yêu cầu nghỉ việc của Amazon, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Bà nhấn mạnh rằng công ty đang cố gắng cân bằng lại các ưu tiên.
Cách đối xử của công ty với lực lượng lao động khổng lồ – hiện có hơn 1,3 triệu người và tiếp tục tăng lên – đang bị theo dõi. Các nhà hoạt động trong lĩnh vực lao động và một số nhà lập pháp cho rằng Amazon không đảm bảo an toàn cho nhân viên, đồng thời trừng phạt bất công đối với những người lên tiếng phản ánh.
Vào tháng 6, một cuộc điều tra của New York Times thể hiện chi tiết mức độ tồi tệ của thủ tục xin nghỉ việc trong thời kỳ đại dịch tại Amazon, ngay cả khi họ đạt được thành công lớn về mặt tài chính.
Kể từ đó, Amazon nhấn mạnh cam kết trở thành “nhà tuyển dụng tốt nhất trên Trái Đất”. Andy Jassy, người thay thế Bezos trở thành CEO Amazon từ tháng 7, tuyên bố sẽ sớm cải thiện hệ thống xử lý ngày công của người lao động.
Trong một sự kiện diễn ra vào tháng 10, ông cho rằng quy trình này hiện “không hoạt động theo cách chúng tôi mong muốn”.